Đang tải...
Ngày đăng: 10/05/2022
Tính đến nay, toàn tỉnh có 94,07% người dân nông thôn (khoảng 218.000 hộ) được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, có đến 75% trong số này hiện đang sử dụng nước giếng khoan riêng lẻ. Số hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung còn rất hạn chế, chỉ khoảng 41.400 hộ.
Thực trạng trên đang là bài toán nan giải để đạt được mục tiêu theo Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 1/3/2022, của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đến năm 2030 có 65% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn và 50% tương đương 117.000 hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.
Cà Mau là tỉnh có điều kiện rất đặc biệt về nguồn nước ngọt. Do chưa có nguồn cấp bù nên toàn bộ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân đều phụ thuộc vào nước mưa, nước giếng khoan. Thực tế này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nắng thì khô hạn, thiếu nước ngọt sản xuất; mưa lớn cục bộ lại xảy ra ngập úng gây ra thiệt hại lớn, đặc biệt là tình trạng người dân nhiều vùng nông thôn chật vật vì nước ngọt phục vụ sinh hoạt do không khoan được giếng.
Để giảm nhiệt cho các “vùng khát” trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, 244 công trình cấp nước tập trung đã được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn nhận là đa số các công trình được đầu tư có quy mô nhỏ, manh mún, không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bởi, hiện tại còn đến 75% người dân sử dụng nước giếng khoan riêng lẻ. Điều đó dẫn đến nguy cơ dễ cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và rất khó xử lý nước đảm bảo chất lượng đồng bộ.
Mặt khác, theo ông Lê Công Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, trong số 244 công trình cấp nước tập trung nông thôn, hiện chỉ có 44 công trình hoạt động bền vững, tương đối bền vững là 101 công trình, kém hiệu quả 35 công trình, không hoạt động 67 công trình.
Ông Nguyên phân tích thêm, các công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động chủ yếu có quy mô công suất nhỏ dưới 50 m3/ngày, đêm, được đầu tư từ những năm 2000. Những công trình này chủ yếu do UBND cấp xã và cộng đồng quản lý. Đây là các khu vực dân cư không tập trung, có điều kiện khó khăn về kinh tế - xã hội. Từ đó, tiền nước thu được không đủ để bù đắp chi phí quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng công trình, dẫn đến công trình hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng, ngừng hoạt động tăng lên theo thời gian.
Để đạt mục tiêu có 50% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung vào năm 2030 (tăng thêm 76.000 hộ dân), ông Nguyên tính toán, nguồn kinh phí phải đầu tư để xây mới và nâng cấp các công trình tập trung khoảng 990 tỷ đồng.
Có thể thấy, để người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung hiện nay cần nguồn kinh phí vô cùng lớn. Theo đó, để hoàn thành mục tiêu đề ra, ông Nguyên chia sẻ thêm, ngoài nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định về phân cấp hiện hành; vốn vay ODA; vốn vay ưu đãi nước ngoài; vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia..., trung tâm còn lồng ghép từ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan. Theo đó, ưu tiên đầu tư dự án công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 12.000 hộ gia đình.
Song song đó, việc thay thế các dây chuyền công nghệ xử lý nước lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu suất của hệ thống xử lý nước và chất lượng đầu ra đạt các chỉ tiêu theo quy chuẩn; kéo dài tuyến ống, sử dụng nguồn nước từ những công trình có tính bền vững, dần tiến tới hoà mạng các công trình cấp nước tập trung để điều hoà, hỗ trợ cấp nước trong tình huống khó khăn về nguồn nước… là những giải pháp được đặt ra trong hoạt động quản lý, vận hành và khai thác bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn thời gian tới.
Bên cạnh những giải pháp của cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông Nguyên, để quản lý khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước hiệu quả bền vững, quan trọng nhất chính là ý thức của người dân. Mọi người dân cần sử dụng nước ngọt thật tiết kiệm, có những giải pháp trữ nước ngọt trong mùa mưa. Hiện tại, trung tâm đang kết hợp với một số trường đại học tiến hành thí điểm mô hình lọc nước nhỏ với 3 tính năng lọc nước mặn, nước mặt và nước ngầm. Nếu hiệu quả sẽ tiến hành nhân rộng tại một số vùng đang khó khăn về nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
Nước - một nhân tố không thể thiếu trong cuộc sống mọi người. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước, nhất là nước sạch, không phải vô tận, do đó mọi người cần ý thức bảo vệ nguồn nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, đó cũng là bảo vệ và giữ gìn sức khoẻ chính mình và gia đình. Ngoài công tác khai thác, vận hành, quản lý công trình cấp nước bền vững, phát huy hiệu quả đầu tư và chống lãng phí của các cơ quan chuyên môn thì người dân, cộng đồng cần chung tay bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường bảo đảm an toàn, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh./.