Đang tải...
Ngày đăng: 28/02/2020
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Đức, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho biết: Tính đến ngày 15/2/2020, Bình Thuận có hơn 160 nghìn lượt hộ dân được vay vốn (bình quân mỗi hộ vay 8,7 triệu đồng) để xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh. Doanh số cho vay đạt 1.403 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa 260 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh; qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh Bình Thuận đạt 97,7%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 87,83%... Bên cạnh đó, chương trình tín dụng nước sạch còn góp phần thực hiện các tiêu chí số 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định, tiêu chí số 17.6 về tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch, tiêu chí số 17.7 về tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện nay Bình Thuận còn khoảng 6.400 hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh và 1.200 hộ đang sống tại 31 phường và thị trấn toàn tỉnh chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Mặc dù các trường hợp này có nhu cầu vay vốn để xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, nhưng không thuộc đối tượng vay vốn theo Quyết định 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Đức Hòa đã kiến nghị Đoàn khảo sát đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách thực hiện tín dụng về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong thời gian tới nhằm tiếp tục góp phần cải thiện điều kiện sống, sức khỏe và môi trường, qua đó góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; đồng thời cần mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với các hộ gia đình cư trú tại thị trấn, đồng thời cho vay đến đối tượng công ty, doanh nghiệp xây dựng, cải tạo các công trình cấp nước sạch và xử lý môi trường tập trung và điều chỉnh mức cho vay tối đa đối với mỗi loại công trình phù hợp trong từng thời kỳ (thời điểm hiện nay lên mức tối đa 15 triệu đồng/công trình).
Ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà Bình Thuận đã làm được trong hơn 15 năm qua, giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn vay và đúng đối tượng. Trong thời gian tới, Bình Thuận chỉ đạo các đơn vị, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tiếp tục triển khai tín dụng chính sách xã hội nói chung và chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nói riêng ngày càng phát huy hiệu quả. Về những kiến nghị của tỉnh, Đoàn khảo sát ghi nhận và sẽ báo cáo với Chính phủ xem xét.