Đang tải...
Ngày đăng: 20/02/2020
Giá nước ngọt đắt đỏ
Mấy ngày nay, tại khu vực Bến Lở (phường 1, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) dịch vụ cung ứng nước ngọt cho người dân với giá khá cao, khoảng 100 nghìn đồng/m3. Hiện tại, nước sạch do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cung ứng cho người dân TP Bến Tre sử dụng đã bị nhiễm mặn nên nhiều người phải bỏ tiền mua nước ngọt về sử dụng. Tại đây, chiếc sà-lan của ông Trần Văn Tuấn (ngụ xã Phú Nhuận, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) trước chở cát xây dựng với tải trọng khoảng 200 m3, giờ được sử dụng kinh doanh chở nước từ huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đem về cung ứng cho người dân.
Trên bờ, nhiều chiếc xe hoa lâm có sẵn bồn chứa để làm dịch vụ chở nước đến tận hộ gia đình. Trung bình nước ngọt đến hộ dân sử dụng có giá lên đến 200 nghìn đồng/m3. Một số hộ dân mang can nhựa (loại 30 lít/can) đến mua nước ngọt với giá 5.000 đồng/can. Bà Nguyễn Thị Ngọc, ngụ phường 1, TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) mang bốn can nhựa đến đây mua nước cho biết: “Hơn một tháng nay, nước máy nhiễm mặn nên tắm bị ngứa rất khó chịu, việc nấu ăn thì dùng bình nước lọc giá khá cao. Khi nghe nơi đây có bán nước ngọt, nên tôi mang can nhựa đến mua về sử dụng cho qua mùa hạn mặn”.
Tại các huyện vùng nông thôn cũng có dịch vụ cung ứng nước ngọt, được khai thác từ các giếng tầng nông đến tận hộ gia đình với giá từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng/m3, tùy đoạn đường vận chuyển gần hay xa. Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ xã Thới Thuận (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: Mỗi ngày tôi dùng xe công nông chở bồn nhựa phía sau để chở nước cung ứng cho người dân. Do chung quanh nước đã bị nhiễm mặn nên nhu cầu người dân dùng trong sinh hoạt, cho gia súc, gia cầm uống rất lớn”.
Người dân tại phường 1, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre mua nước ngọt về sử dụng.
Tập trung các giải pháp trữ nước ngọt
Sau đợt hạn, mặn lịch sử cuối năm 2015 đầu năm 2016, Tỉnh ủy Bến Tre đã phát động phong trào trữ nước ngọt trong dân để sử dụng trong mùa xâm nhập mặn. Từ đó đến nay, nhiều hộ gia đình nhất là vùng nông thôn đã chủ động xây dựng bồn chứa bằng xi-măng hay mua bồn nhựa để trữ nước mưa. Năm nay, gần như toàn bộ các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã bị nhiễm mặn, nhưng nhiều hộ dân vẫn có nước sử dụng. Gia đình bà Nguyễn Thị Len ngụ xã An Hiệp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), vừa mới xây dựng ba bồn chứa nước bằng xi-măng với dung tích chứa khoảng 7,5 m3 nước ngọt để sử dụng, chi phí gần chục triệu đồng.
Bà Len cho biết: “Sau đợt hạn, mặn năm 2016, gia đình tôi thiếu nước ngọt để sử dụng vì các con kênh chung quanh đã bị nhiễm mặn. Vì vậy gia đình tôi và nhiều hộ chung quanh phải đầu tư xây dựng bồn chứa nhằm trữ nước ngọt, một số hộ mua bồn nhựa để tiện vận chuyển”.
Hiện tại, tỉnh Bến Tre đã hoàn thành các công trình như: đập tạm trên sông Ba Lai, đập tạm sông Mã (huyện Châu Thành); cống ngăn mặn thuộc dự án bắc Bến Tre, nạo vét các tuyến kênh nhằm trữ nước ngọt và ngăn mặn... Đồng thời, nhà máy nước Khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành) đã đưa vào sử dụng hệ thống công nghệ xử lý tái sử dụng nước thải công nghiệp; vận hành hệ thống lọc nước RO công suất 3.000m3/ngày đêm và hệ thống quan trắc tự động online nhằm kiểm tra theo dõi chất lượng nước, áp lực và lưu lượng nhằm bảo đảm chất lượng nước khi cấp ra mạng lưới để sử dụng. Công trình cống đập ngăn mặn, hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp (tại huyện Ba Tri) với quy mô 60 ha có sức chứa gần một triệu m3 nước ngọt thô cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), cả sáu nhà máy nước sạch cung ứng cho người dân đều bị nhiễm mặn. Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho biết, mấy năm gần đây địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt để sử dụng, nên nước uống, nấu ăn đã bảo đảm đủ trong mùa xâm nhập mặn. Tuy nhiên, các nhà máy nước đều bị nhiễm mặn nên người dân gặp khó trong sinh hoạt, sản xuất. UBND huyện đã làm việc với các nhà máy cung cấp nước trên địa bàn để tìm giải pháp xây dựng hệ thống lọc RO từ nước mặn thành nước ngọt cung ứng cho người dân. Hiện đã có bốn nhà máy đồng ý xây dựng hệ thống lọc RO và sẽ sớm hoàn thành để phục vụ người dân trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn rất gay gắt như hiện nay.
Nhiều hộ dân ở nông thôn phải sử dụng tiết kiệm vì nguồn nước ngọt đắt đỏ.
Tại các địa phương bị xâm nhập mặn gay gắt, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã vận chuyển nước ngọt đến cung cấp cho nhân dân. Đồng thời nhiều tổ chức, cá nhân đã vận động, giúp đỡ người dân dụng cụ trữ nước ngọt bằng bồn nhựa, máy lọc nước. Mới đây, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tổ chức bàn giao năm máy lọc nước ngọt tại huyện Giồng Trôm. Các đơn vị được nhận máy lọc nước là: xã Châu Bình, xã Mỹ Thạnh, Trường Mầm non thị trấn Giồng Trôm và Trường Tiểu học Bình Thành 2. Trong đó, mỗi đơn vị được nhận một máy lọc, riêng xã Mỹ Thạnh được nhận hai máy lọc, tổng kinh phí 22,5 triệu đồng do một cá nhân tài trợ. Máy lọc nước hoạt động với công suất 300 lít/24 giờ, ưu tiên sử dụng cho bà con nông dân hộ nghèo, người neo đơn đang thiếu nước ngọt để sinh hoạt trong mùa hạn mặn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có xu hướng diễn biến ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn. Tỉnh Bến Tre kiến nghị Trung ương xem xét, sớm triển khai các dự án lớn như JICA 3, dự án nam Bến Tre, hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy nước thuộc khu vực Cù lao Minh... để đưa vào phục vụ giúp kiểm soát mặn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất bố trí chương trình cấp nước quy mô hộ gia đình cho 20 nghìn hộ không có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đưa danh mục cung cấp nước sạch vào nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để giúp 36.800 hộ đang thiếu nước sinh hoạt có điều kiện tiếp cận đủ nước sạch. Đồng thời, Tỉnh ủy cũng có nhiều văn bản chỉ đạo về chương trình trữ nước ngọt, nước mưa đến huyện, thành phố, xã, ấp, chi bộ. UBND tỉnh cũng xây dựng kịch bản, chương trình, kế hoạch cụ thể và đã sớm triển khai để các đơn vị thực hiện. Bên cạnh đó, địa phương khuyến cáo người dân khi sử dụng nước tưới phải đo độ mặn trước và sử dụng mọi dụng cụ như lu, bồn chứa, ao, hồ để chứa nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.