Đang tải...
Ngày đăng: 08/12/2022
Bà Nguyễn Thị Trúc Phương - Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre - đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Bà đánh giá thế nào về môi trường địa lý cũng như tình hình cung cấp nước sạch tại tỉnh Bến Tre?
Tỉnh Bến Tre có diện tích tự nhiên 2.360km2, được hình thành bởi 3 cù lao: cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh. Toàn tỉnh hiện có tổng 67 nhà máy nước, chủ yếu với 3 mô hình quản lý, đó là đơn vị cấp nước tư nhân, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Công ty Cổ phần cấp thoát nước tỉnh. Nguồn nước thô cấp cho các nhà máy nước hoạt động đều là nước mặt được khai thác tại chỗ từ các sông rạch. Nguồn nước thô của các nhà máy nước đa phần đều bị nhiễm mặn. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 86.896 hộ thiếu nước sạch.
Trước tình hình đó, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đã khảo sát thu thập dữ liệu đầu vào của các hộ yếu thế, bao gồm hiện trạng dùng nước, sinh kế hộ, quy mô hộ, sự đồng thuận vô nước, nhu cầu của hộ... Khảo sát đầu vào của đơn vị cấp nước: vùng cấp nước, năng lực tài chính mở rộng tuyến ống, công suất, áp lực nước tại các nhà máy nước nông thôn. Đồng thời bám sát các chính sách có liên quan về hoạt động phối hợp với hội phụ nữ, về đồng thuận hướng đến nhóm mục tiêu, đối tượng yếu thế.
Sau 4 năm triển khai Dự án "Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ - WOBA" tại tỉnh Bến Tre, bà đánh giá thế nào về kết quả thực hiện và mức độ hài lòng của người dân?
Sau 4 năm triển khai, hợp phần về nước sạch tính đến cuối tháng 6/2022 đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra với 2.300 hộ thuộc đối tượng hưởng lợi được đấu nối và sử dụng nước sạch, đạt 100% chỉ tiêu dụ án. Kiểm tra, thẩm định sau 6 tháng sử dụng dịch vụ nước sạch ở các hộ dân có sử dụng nước, 20% hộ cho biết đã hài lòng về chất lượng nước.
Qua công tác tiếp cận các hộ gia đình thuộc nhóm yếu thế cho biết, dự án đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch, giúp các hộ tiếp cận dịch vụ nước sạch an toàn. Qua triển khai, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cùng các cấp hội phụ nữ tỉnh đã gắn tác động của biến đổi khí hậu vào kế hoạch cấp nước an toàn tạo nhà máy nước tham gia dự án. Đồng thời, có biện pháp chủ động trong ứng phó rủi ro, chủ động cải thiện dịch vụ cấp nước.
Để quá trình thực hiện Dự án đạt được kết quả khả quan như trên, việc tuyên truyền đến bà con nông thôn, đặc biệt là đối tượng yếu thế được triển khai như thế nào, thưa bà?
Trung tâm đã phối hợp Hội LHPN tỉnh Bến Tre thực hiện truyền thông theo nhóm đối tượng - những cán bộ chủ chốt tại địa phương, đối tượng có đủ khả năng lan tỏa thông điệp đến cộng đồng. Nội dung truyền thông bám theo mục tiêu của cấp nước an toàn thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó vận động được sự tham gia của cộng đồng và phòng ngừa, quản lý rủi ro.
Khách hàng sử dụng nước là đối tượng mục tiêu cần tuyên truyền. Họ hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc sử dụng nước sạch. Đồng thời họ cũng hiểu được việc sử dụng nguồn nước an toàn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Trung tâm cũng tuyên truyền tới người dân về trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, bảo vệ hệ thống cấp nước; kịp thời thông báo các sự cố, tuyên truyền cho những người xung quanh cùng hiểu, nâng cao ý thức về nước sạch và cấp nước an toàn.
Với những thành công bước đầu, xin bà cho biết kế hoạch tiếp theo để nhân rộng kết quả của dự án?
Trong giai đoạn tiếp theo, Trung tâm sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng sáng kiến của dự án, gắn với biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ dự án, Bến Tre hoàn tất xây dựng thêm kế hoạch cấp nước an toàn gắn với biến đổi khí hậu của của 6 nhà máy nước còn lại. Hiện tại đang lập thủ tục trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Đồng thời, trên nền cấu trúc sẵn có, ứng với đặc thù từng nhà máy nước, từng địa bàn sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn thích ứng biến đổi khí hậu cho 25 nhà máy nước còn lại đến 2025.
Qua kết quả của dự án WOBA, sợi dây liên kết giữa nhà máy nước với địa phương, đặc biệt với hội phụ nữ đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi giúp thúc đẩy các hoạt động truyền thông chủ động ứng phó xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn là thách thức cũng là cơ hội để cải thiện dịch vụ cấp nước hướng đến tính bền vững hơn. Nhóm hộ yếu thế được quan tâm, tạo thuận lợi tiếp cận công bằng với nước sạch phù hợp với chính sách của tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Xin cảm ơn bà!