Đang tải...
Ngày đăng: 13/04/2020
* Xin đồng chí cho biết xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân như thế nào?
- Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam: Do tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Mekong và trong điều kiện hệ thống thủy lợi chưa được khép kín, dẫn đến hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn (XNM). Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, XNM ngày càng diễn biến gay gắt, bất thường, gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Mùa khô năm 2015-2016, mặn xâm nhập sâu, ở mức rất cao và duy trì trong thời gian dài đã gây khan hiếm nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân. Có 162 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh bị XNM, ước thiệt hại kinh tế của riêng ngành nông nghiệp hàng ngàn tỷ đồng.
Còn mùa khô năm 2019-2020, XNM diễn biến gay gắt, khốc liệt hơn rất nhiều. Độ mặn 4%o xâm nhập đến đâu thì gần như giữ nguyên ở mức đó. Cả tuyến sông Hàm Luông từ tháng 1-2020 đến nay hầu như không lúc nào giảm dưới 4%o. Có những thời điểm, độ mặn 5%o gần như bao trùm toàn tỉnh, trên các tuyến sông chính, nội đồng không còn nước ngọt để cung cấp cho các nhà máy nước (NMN), phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân. Như vậy, trong vòng 5 năm, tỉnh ta đã gánh chịu 2 đợt hạn mặn khốc liệt, gây thiệt hại lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân.
* Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chủ trương, giải pháp gì trong phòng chống hạn mặn?
- Rút kinh nghiệm đợt hạn mặn mùa khô năm 2015-2016, nên ngay từ giữa năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các ngành có liên quan và địa phương khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp cấp bách, bằng mọi biện pháp cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ. Đặc biệt, ban hành quyết định tình huống khẩn cấp do XNM trên địa bàn tỉnh để huy động các nguồn lực ứng phó. Tăng cường công tác quan trắc và thường xuyên cập nhật, thông báo tình hình XNM trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân dễ dàng tiếp cận.
Tổ chức vận hành hợp lý, có hiệu quả hệ thống các công trình thủy lợi. Thực hiện trữ nước trong các đập tạm, tranh thủ lấy nước có độ mặn thấp hơn từ bên ngoài vào để giảm bớt độ mặn cung cấp cho các NMN. Đảm bảo cung cấp liên tục nguồn điện cho các NMN để vận hành cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Thực hiện đắp khẩn cấp 10 đập tạm để trữ nước, nạo vét 260km tuyến kênh nội đồng. Đặc biệt là đưa vào vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri, với trữ lượng 800 ngàn mét khối nước, tạo nguồn cung ổn định cho các NMN phục vụ cho nhân dân thị trấn Ba Tri và 6 xã lân cận. Lắp đặt và vận hành tối đa công suất các hệ thống lọc mặn RO để cung cấp nước ngọt cho người dân...
Các doanh nghiệp cấp nước, các mạnh thường quân đã, đang và tiếp tục lắp đặt các điểm cung cấp nước ngọt tại nhiều trung tâm xã, phường, thị trấn của tỉnh đã phần nào giải quyết những khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
* Về lâu dài cần có những giải pháp căn cơ nào, thưa đồng chí?
- Tỉnh đã có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét ban hành cơ chế, chính sách mới trong việc điều phối, sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mekong. Nghiên cứu đầu tư xây dựng một số hồ chứa nước ngọt, đặc biệt ở vùng tứ giác Long Xuyên, để đảm bảo vai trò xả nước điều tiết, hạn chế những đợt triều cường, xâm nhập mặn vào các cửa sông ở lưu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời, tạo nguồn nước và hệ thống cung cấp nước thô ổn định để kết nối cung cấp cho các NMN hiện có của các tỉnh, đáp ứng được nhu cầu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và doanh nghiệp trong toàn vùng.
Lắp đặt hệ thống lọc nước phục vụ cho người dân Bến Tre.
Nhân tham dự trưng bày kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi ở Địa đạo Củ Chi (TP. Hồ chí Minh), có dịp ngồi bên bờ sông Sài Gòn, tôi thấy nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai trắng xóa, tràn ngập. Trong khi ở miền Tây nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng, nước mặn xâm nhập sâu, thiếu nước ngọt trầm trọng. Từ thực tế đó, tôi mới nảy sinh ý tưởng tại sao mình không đưa nguồn nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn về ĐBSCL và tỉnh. Bởi dòng sông Mekong hiện các nước trên thượng nguồn xây rất nhiều đập thủy điện, nên nguồn nước để đưa về hạ nguồn ngày càng ít lại. Việc đưa nước từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai về bổ trợ thêm nước cho sông Mekong sẽ giúp tỉnh có thêm nguồn nước ngọt, đẩy nguồn nước mặn ra biển để làm ngọt hóa ĐBSCL. Đây là một phương án nên nghiên cứu.
Tôi cũng suy nghĩ thêm, để có nguồn nước lâu dài trong một năm thì riêng sông Đồng Nai, chúng ta có thể làm những đập tràn từng đoạn để nước chảy ra biển ít đi, có thể đưa dòng nước đó về sông Mekong. Vì trong mùa mưa, nếu chúng ta không có đập tràn thì nước chảy trong 3 tháng sẽ hết nhưng nếu có, thì thời gian kéo dài được khoảng 6 tháng.
Giải pháp thứ 2 là việc dẫn nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh, đã trữ nước từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Nguồn nước này rất lớn. Đây cũng là hướng có thể dẫn nước về ĐBSCL, nếu như không hòa vào các dòng sông được thì chúng ta làm những đường ống lớn để đưa nguồn nước đó cho các tỉnh. Theo tôi, để có lượng nước lớn và giải quyết vấn đề toàn cục của khu vực thì đưa nguồn nước sông Đồng Nai về sẽ tốt hơn.
Đây là ý kiến, đề xuất của cá nhân tôi, chưa phải là chủ trương của Tỉnh ủy, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tôi đã nghiên cứu bản đồ, nếu đưa dòng nước đó qua Long An, Đồng Tháp thì không xa. Hơn nữa, hệ thống thủy lợi kênh đào thoát nước ra Biển Đông đã có, chỉ cần kết nối vào sẽ đỡ tốn kém. Sông Đồng Nai và các sông ở miền Đông có độ dốc nên rất thuận lợi. Tôi nghĩ nếu đáng đầu tư thì nên làm vì sự phát triển.
* Xin cảm ơn Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy!