Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Bắc Ninh: Nâng cao ý thức sử dụng nước sạch cho người dân làng nghề

Ngày đăng: 02/05/2024

Từ khi hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành, đến nay, công trình phát huy tốt hiệu quả cấp nước phục vụ sinh hoạt, khắc phục tình trạng phải sử dụng nước giếng khoan có nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của người dân tại 6 xã: Tam Giang, Đông Tiến, Hòa Tiến, Yên Phụ, Văn Môn, Đông Thọ (Yên Phong), và 2 phường Hương Mạc, Phù Khê (thành phố Từ Sơn). Tuy nhiên, tại một số địa phương tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chỉ đạt 20-30%. Trước khi công trình cấp nước sạch tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng, gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp, ở thôn Trung Bạn, xã Đông Thọ vẫn thường sử dụng nguồn nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt. Do nguồn ngầm bị ô nhiễm hàm lượng sắt rất cao nên gia đình ông phải xây dựng hệ thống bể lọc thủ công bằng cát, sỏi, than hoạt tính. Định kỳ 2 tháng 1 lần, gia đình ông phải đầu tư kinh phí thay thế vật liệu lọc vừa tốn kém vừa mất công sức trong khi vẫn phải dùng máy bơm đưa nước lên bể nên trung bình mỗi tháng gia đình mất khoảng 200.000 đồng mới có đủ nguồn nước sinh hoạt. Năm 2015, khi trạm bơm tăng áp cấp nước từ nhà máy nước sạch Tam Giang hoàn thành, gia đình ông tiên phong đăng ký lắp đặt, sử dụng nguồn nước do trạm cung cấp. Với nhu cầu sử dụng 15-20 m3 nước sạch/tháng, gia đình ông Hiệp chỉ phải chi phí 120.000- 160.000 đồng. Theo ông Hiệp, khi sử dụng nước sạch điều quan trọng nhất không chỉ là tiết giảm được chi phí mà yên tâm về chất lượng và đóng góp vào việc bảo vệ địa chất tầng nước ngầm. Cùng với gia đình ông Hiệp, đến nay đã có gần 14.000 hộ dân tại 8 xã, phường ở Yên Phong và Từ Sơn đăng ký đấu nối, lắp đặt, sử dụng nguồn nước do công trình nước sạch tập trung cụm xã Tam Giang cung cấp. Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Phụ trách công trình: Để bảo đảm vận hành ổn định, trạm phân công công nhân thường xuyên ứng trực vận hành, kiểm tra hệ thống đường ống cấp nước, khắc phục kịp thời các sự cố ảnh hưởng chất lượng nguồn nước. Quy trình xử lý nước tại công trình đầu mối được tiến hành qua 5 giai đoạn: Nước thô từ sông cầu được thu và dẫn vào thiết bị xử lý thông qua hệ thống đường ống, được kiểm soát độ PH, độ đục làm cơ sở để châm thêm các hóa chất hỗ trợ quá trình lắng-lọc đạt kết quả tốt nhất; Tại thiết bị lọc trọng lực, các chất rắn còn lại trong nước được lớp vật liệu lọc giữ lại, nước đi qua lớp vật liệu lọc trở thành nước sạch, được châm Clo, Javel khử trùng và đi vào bể chứa nước sạch cung cấp cho mạng lưới sử dụng thông qua hệ thống trạm bơm điều áp; Nguồn nước sau khi xử lý được lấy mẫu kiểm nghiệm định kỳ. Theo đó, chất lượng nước sau xử lý cấp cho mục đích sinh hoạt của trạm luôn bảo đảm yêu cầu, trong đó các chỉ số: Màu sắc, độ đục, độ PH, độ cứng, hàm lượng Fe, MN, Asen, NH4, tồn dư Clo, Coliform tổng số… đều thấp hơn giới hạn cho phép của QCVN01: 2009/BYT nên người dân hoàn toàn yên tâm về chất lượng nguồn nước đang sử dụng do trạm cung cấp. Cũng theo ông Bình, mặc dù chất lượng nước bảo đảm, tỷ lệ người dân đăng ký đấu nối, lắp đặt công tơ, đường ống đạt khoảng 90% số hộ, tuy nhiên tỷ lệ hộ dân thường xuyên sử dụng nước do trạm cung cấp hiện chỉ đạt khoảng 50%, cá biệt tại một số địa phương có nhiều làng nghề, chất lượng nguồn nước ngầm ô nhiễm như: Yên Phụ, Văn Môn… chỉ đạt 20-30%. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch còn hạn chế, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn có thói quen sử dụng nguồn nước từ các giếng khoan với độ sâu xấp xỉ 100 mét (giếng đá) bởi tin tưởng vào chất lượng nguồn nước ngầm mặc dù chưa có kiểm tra, đánh giá thực tế về chất lượng. Một số hộ dân không có ý thức đóng góp kinh phí đối ứng (mỗi hộ 700.000 đồng) nên không đồng ý dùng nước. Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nguồn nước sạch tập trung, những năm qua, Trạm Nước sạch Tam Giang đã đề nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyền truyền, phát tờ rơi thay đổi thói quen sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân tuy nhiên tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch do trạm cung cấp như vậy là quá thấp. Trong thời gian tới, cùng với nỗ lực của trạm nước sạch, rất mong chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan phối hợp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức sử dụng nguồn nước do trạm cung cấp góp phần cải thiện sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng Nông thôn mới.

 

message zalo