Đang tải...
Ngày đăng: 02/10/2018
Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Mao Nguyễn Đức Thành khẳng định: “Mặc dù là xã nằm kề khu công nghiệp Quế Võ, lượng công nhân tạm trú ở các thôn lên đến gần 5.000 người, nhưng môi trường sống ở đây thực sự trong sạch. Không còn hiện tượng ùn ứ rác thải sinh hoạt, đường làng, ngõ xóm được vệ sinh hàng tuần. Lượng rác thải rắn phát sinh từ vật liệu xây dựng, các đồ dùng cũ... cũng được người dân xử lý triệt để. Tiêu chí về môi trường luôn được Đảng ủy, chính quyền, nhân dân trong xã đặt lên hàng đầu trong thực hiện nông thôn mới”.
Phượng Mao là 1 trong 8 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014.Cùng với các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, thì vệ sinh môi trường nông thôn được quan tâm chú trọng. Xã triển khai tới Trưởng ban công tác mặt trận thôn, các tổ chức đoàn thể, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ở các khu dân cư xây dựng quy định cụ thể việc thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường ở từng địa phương, cơ quan, trường học, nơi công cộng. Mỗi thôn đều có tổ thu gom rác thải và 20 thùng đựng rác chuyên dụng. Ở mỗi cánh đồng, cứ cách 200-300m lại có thùng bê tông đựng vỏ chai, lọ, túi bóng hóa chất. Cuối ngày, lượng rác thải được vận chuyển về Nhà máy xử lý rác tại xã Phù Lãng (Quế Võ). Hàng tuần, ở tất cả các thôn đều huy động người dân tham gia dọn vệ sinh tập trung. Các phần việc như: Không đổ rác bừa bãi nơi công cộng, thu gom, đổ rác đúng nơi quy định; cùng dọn vệ sinh thường xuyên nơi nhà ở, đường làng, ngõ xóm, cơ quan, trường học; mỗi gia đình thu gom nước thải vào thùng chứa chuyên dụng, xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng; trồng cây xanh để giảm ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; không hút thuốc lá nơi công cộng; đóng góp đầy đủ lệ phí thu dọn vệ sinh... đã trở thành thói quen, ý thức tự giác của mỗi người dân Phượng Mao, vừa góp phần giữ gìn vệ sinh chung vừa là tiêu chí không thể thiếu trong xây dựng gia đình văn hoá, công sở văn hóa, trường học văn hóa.
Thôn Mao Dộc là địa bàn bức xúc nhất về ô nhiễm môi trường trong xã bởi lượng công nhân thuê trọ quá lớn (gần 3.000 công nhân) thì nay cũng được giải quyết triệt để. Bà Nguyễn Thị Bến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn phấn chấn: Hơn 1 tháng nay, xã đầu tư cho thôn 2 xe điện thu gom rác, đồng thời ký hợp đồng với Công ty Hưng Phát cho người về thu gom rác trực tiếp tại thôn, nên không còn hiện tượng ùn ứ rác như trước. Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả chị em trong thôn thường xuyên vệ sinh đường làng, nhổ cỏ, trồng hoa, cây xanh... để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan nông thôn.
Để duy trì bền vững môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, Phượng Mao dànhhơn 1% ngân sách địa phương cho công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai các nội dung của Luật bảo vệ môi trườngđến mỗi người dân. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức đoàn thể như: Hội phụ nữ thực hiện phong trào làng 3 sạch, phân loại rác thải tại nguồn, chăm sóc, làm đẹp đường hoa khu nhà văn hóa và trục đường các thôn. Đoàn thanh niên thường xuyên khơi thông dòng chảy, xử lý cống, rãnh thoát nước, quét dọn đường làng ngõ xóm trên địa bàn toàn xã vào chủ nhật hàng tháng, vệ sinh môi trường trong khuôn viên trụ sở UBND xã, khuôn viên các trường học vào chiều thứ sáu hàng tuần. Hội Cựu chiến binh, bảo vệ an ninh, trật tự tại các khu dân cư, giám sát việc đổ, tập kết rác thải không đúng quy định ở các thôn. Hội Nông dân,thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại thực phẩm, dọn vệ sinh đồng ruộng, trang trại, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất khác... Hành động để bảo vệ môi trường đã trở thành trách nhiệm của mỗi người dân Phượng Mao vì một môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.