Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Bắc Ninh: Đa dạng hóa các mô hình cấp nước sạch nông thôn

Ngày đăng: 23/03/2020

 

Theo kết quả điều tra bộ chỉ số nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến cuối năm 2019, khu vực nông thôn của Bắc Ninh có 43 công trình nước sạch đang vận hành với công suất gần 160.000 m3/ngày-đêm, cấp nước cho hơn 800.000 người dân ở 85 xã. Các dự án này đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,52%; trong đó số dân sử dụng nước sạch theo QCVN 02: 2009/BYT đạt 67,49%. Điển hình, Trạm cấp nước tập trung xã Đại Lai (Gia Bình) được xây dựng từ năm 2016 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 62 tỷ đồng bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và vốn vay của Ngân hàng Thế giới, cấp nước đến 12.000 hộ dân, đạt 100% tổng số đồng hồ nước lắp đặt và sử dụng. Với công suất tối đa 8.500 m3/ngày, đêm, Trạm cấp nước tập trung xã Đại Lai thi công trong 2 giai đoạn, đến nay cấp nước cho 5 xã Xuân Lai, Đại Lai, Vạn Ninh, Thái Bảo, Nhân Thắng (Gia Bình) góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sạch tại các địa phương. Theo ông Trần Danh Thuần, Trạm trưởng Trạm cấp nước tập trung xã Đại Lai, nguồn nước mặt cung cấp cho trạm từ sông Cầu, với lưu lượng và chất lượng nước ổn định, xử lý không phức tạp, theo quy trình khép kín, lắp đặt hơn 10 km đường ống truyền tải trục chính; hơn 95 km đường ống mạng, ống dịch vụ đưa nước về từng hộ dân. Hiện nay Trạm sử dụng phần mềm Cityword để quản lý, kiểm soát và theo dõi mạng lưới cấp nước, máy móc, đo đếm chỉ số sử dụng nước của khách hàng. Đặc biệt, trong mùa hè, khách hàng sử dụng nước liên tục, hệ thống hỗ trợ báo sự cố và định vị qua hệ thống GPS đồng hồ và van điều tiết để kịp thời hỗ trợ khách hàng, bảo đảm cấp nước liên tục.

Bên cạnh các nhà máy xử lý nước sạch từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, vốn vay của Ngân hàng Thế giới, những năm qua, Bắc Ninh chú trọng huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng, quản lý và khai thác, nhằm giảm gánh nặng đầu tư của nhà nước đối với các công trình cung cấp nước sạch tập trung cho người dân khu vực nông thôn.  Điển hình như Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phú Quang (Lương Tài) đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa 2 nhà máy nước sạch, trong đó: Nhà máy nước sạch An Thịnh có mức đầu tư 160 tỷ đồng, cung cấp nước cho 6 xã, với 6.000 hộ dân. Nhà máy nước sạch Quảng Phú có công suất thiết kế 14.000 m3/ngày-đêm đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 130 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn nhà nước đầu tư 60%, doanh nghiệp 40%, cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân 3 xã huyện Lương Tài và 3 xã huyện Thuận Thành.
Theo ông Nguyễn Hữu Thung, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, công trình cấp nước tại các địa phương đang được khai thác khá hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tuy nhiên, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vào mùa lũ và mùa nắng có biến động về độ đục tại các dòng sông cung cấp nước mặt nên cần kéo dài thêm thời gian và chi phí để sơ lắng, châm thêm hóa chất vào bể phản ứng để tăng hiệu quả phản ứng và lắng đọng, bảo đảm chất lượng cấp nước cho người dân. Ngoài ra, một số địa phương đang trong quá trình xây dựng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn Nông thôn mới, mở rộng đường đi ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nước. Trong khi đó, nhân lực hạn chế, việc sửa chữa, khắc phục phải thực hiện trong thời gian nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2020, 100% dân số nông thôn trong tỉnh được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác các công trình; đa dạng hóa các loại hình đầu tư, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích sự tham gia của nhân dân và các thành phần kinh tế vào việc phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức nhân dân về sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch. Không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, lựa chọn công nghệ và xây dựng trạm cung cấp phù hợp với từng địa phương, bảo đảm chất lượng nước, tăng tính bền vững cho công trình.

 

message zalo