Đang tải...
Ngày đăng: 13/03/2020
Một buổi sáng đầy nắng, khi các em học sinh (trừ THPT) còn nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đến Trường Tiểu học Phú Thuận (xã Phú Thuận, Thoại Sơn, An Giang). Hình ảnh những giáo viên mỹ thuật hơn 10 người đang hì hục phủ lên vách tường rêu phong cũ kỹ của khu nhà vệ sinh, rồi lại ngẫm nghĩ tìm ra nét vẽ đẹp nhất để phác họa, khiến chúng tôi cứ ngỡ đang lạc vào hội thi vẽ tranh nào đó.
Nếu không để ý dòng chữ “nhà vệ sinh” mà chỉ nhìn những màu sắc hài hòa và nét vẽ sinh động, nhiều người không ngờ là mọi người đang trang trí khu nhà vệ sinh. Những hình ảnh về cỏ cây, hoa lá... trên tường nhà vệ sinh đã xóa đi cảm giác thường thấy.
Tổ trưởng Tổ Mỹ thuật (Hội đồng bộ môn Mỹ thuật cấp tỉnh) Võ Thanh Tùng cho biết: “Thực hiện kế hoạch, mỗi huyện thí điểm 1 trường, hưởng ứng phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực. Với việc trang trí nhà vệ sinh hy vọng các em sẽ thấy thoải mái khi đi vệ sinh. Chúng tôi đã thực hiện ở 5 trường tiểu học của 5 huyện. Chủ đề những tranh bích họa rất đa dạng, như: bảo vệ môi trường, trò chơi dân gian, động, thực vật... Tổ tham gia vẽ tranh có 11 thành viên.
Tuy nhiên, khi đi thực tế có mời thêm một số giáo viên mỹ thuật của các trường. Tổ bộ môn Mỹ thuật chúng tôi thực hiện vẽ tranh trang trí với những hình ảnh đẹp thu hút, phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học, đồng thời qua mỗi hình ảnh trong tranh giáo dục các em có ý thức giữ gìn vệ sinh và tự giác bảo quản nhà vệ sinh sạch và đẹp”.
Để mang đến 1 bức bích họa hoàn chỉnh, đẹp về nội dung lẫn hình thức, các giáo viên mỹ thuật mất khoảng 2 ngày để hoàn thành. Trước khi đặt những nét vẽ đầu tiên, công việc trước nhất của tổ là tẩy rửa, vệ sinh nhà vệ sinh thật sạch. Với những công việc được tính toán cẩn thận từ trước, ngày thứ 2, các giáo viên sẽ bắt tay tạo nên bức bích họa đẹp, ngộ nghĩnh như những họa sĩ thực thụ.
Là 1 trong những “họa sĩ” chủ lực của tổ, thầy Trần Phú Chọn (giáo viên Trường Tiểu học “A” Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) chia sẻ: “Trước khi vẽ, chúng tôi cùng lên ý tưởng để thống nhất nội dung, chủ đề sao cho thật phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Công việc dù có vất vả, mất thời gian nhưng cứ nghĩ khi tác phẩm hoàn thành sẽ làm thay đổi diện mạo nhà vệ sinh, giúp các em thoải mái khi vào đây là chúng tôi vui lắm, bao mệt nhọc đều không còn”.
Bắt gặp nụ cười hay giọt mồ hôi trên gương mặt từng thầy giáo hôm ấy, mới hiểu hết sự nhiệt tình và tâm huyết của người thầy muốn mang đến những điều tốt nhất cho học sinh, tạo nên trường học thân thiện đúng nghĩa để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Có thể nói, những giáo viên mỹ thuật ấy dành rất nhiều thời gian cho việc lựa chọn những bức tranh phù hợp với lứa tuổi học trò và có ý nghĩa giáo dục để vẽ lên tường.
Việc làm này không chỉ loại bỏ sự xấu xí, mất thiện cảm đối với công trình nhà vệ sinh, mà còn góp phần nâng cao hơn nữa ý thức của học sinh về việc bảo vệ môi trường. “Đôi khi chúng tôi được đặt biệt danh là “họa sĩ nhà vệ sinh”. Song có hề gì khi những bức họa của mình mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho các em học sinh mỗi ngày” - thầy Chọn bộc bạch.
Vừa tỉ mẩn phác họa từng con vật, thầy Nguyễn Huy Oát (giáo viên Trường Tiểu học “A” Đa Phước, An Phú) bày tỏ: “Vẽ tranh cho học sinh tiểu học thấy vậy mà không dễ. Vì vẽ thế nào để tranh vừa mang tính giáo dục, vừa sinh động dễ hiểu, nhưng phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của các em. Đó là lý do trước khi thực hiện những nét vẽ thật, chúng tôi đều họp nhau để có định hướng và thống nhất khi vẽ. Vách tường nhà vệ sinh, chúng tôi vẽ các hình ảnh mang tính giáo dục, nhằm giúp các em giữ gìn vệ sinh chung như: hướng dẫn trẻ cách rửa tay sau khi đi vệ sinh, tắt vòi nước hay bỏ rác đúng nơi quy định... nhằm nâng cao ý thức các em trong mùa dịch bệnh Covid-19 khi quay lại trường học tập”.
“Nhà vệ sinh trường học thường là nơi không được quan tâm. Nay những bức vẽ vừa giúp nhà vệ sinh đẹp hơn, vừa là lời nhắc nhở các em học sinh giữ gìn vệ sinh chung. Hy vọng, thời gian tới, việc “thay áo mới” cho nhà vệ sinh sẽ được nhân rộng nhiều hơn ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh”- thầy Tùng bày tỏ.