Đang tải...
Ngày đăng: 26/03/2023
Theo The Guardian, số người không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn ở các thành phố trên thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và nhu cầu nước đô thị dự báo sẽ tăng 80% cùng thời điểm.
Hiện tại, gần 1 tỷ người đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Con số này có thể tăng lên 1,7 đến 2,4 tỷ người trong vòng ba thập kỷ tới, Báo cáo Phát triển Nước thế giới của UN nêu rõ. Tình trạng thiếu nước cũng đang xảy ra thường xuyên hơn ở các vùng nông thôn.
Theo báo cáo, khoảng 2 đến 3 tỷ người bị thiếu nước ít nhất một tháng mỗi năm, trong khi 3,6 tỷ người không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh an toàn.
Với nhận định nước là mối quan tâm chung của thế giới, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay cho rằng các quốc gia cần phối hợp hành động, thiết lập các cơ chế quốc tế mạnh mẽ để chia sẻ công bằng và quản lý bền vững nguồn tài nguyên này nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước toàn cầu vượt tầm kiểm soát.
Việc sử dụng nước trên toàn cầu đã tăng khoảng 1% mỗi năm trong 40 năm qua. Nhu cầu về nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng do sự phát triển dân số. Khoảng 1/10 dân số thế giới sinh sống tại các quốc gia đang trong tình trạng thiếu nước.
Giám đốc Viện nghiên cứu Tác động khí hậu Potsdam (PIK) Johan Rockstrom cho biết, các bằng chứng khoa học thể hiện rằng thế giới đang gặp khủng hoảng về nước.
Nguyên nhân do tình trạng lạm dụng, gây ô nhiễm và thay đổi toàn bộ chu trình thủy văn toàn cầu. Do đó, việc giải quyết các vấn đề về nước đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ứng phó với những cuộc khủng hoảng toàn cầu khác như lương thực và khí hậu.
Một báo cáo khác mang tính bước ngoặt do Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế nước (GCEW) công bố cũng cho thấy, nhu cầu về nước ngọt sẽ tăng 40% so với nguồn cung vào năm 2030. Điều này sẽ có tác động to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, thiên nhiên, chất lượng sống đô thị và khí hậu.
Richard Connor, tác giả chính trong báo cáo về nước của GCEW, đã kêu gọi thành lập các quỹ về nước mới và các chương trình tài chính đầu tư vào nguồn tài nguyên này.
Mexico là điển hình về sự thành công của mô hình kể trên với quỹ Monterrey được thành lập năm 2013 đã giúp giảm lũ lụt, khôi phục môi trường sống tự nhiên và duy trì chất lượng nước đô thị.