Đang tải...
Ngày đăng: 24/07/2024
Theo Liên Hợp Quốc, hơn 40% dân số toàn cầu hiện thiếu nước và con số này dự kiến sẽ tăng trong những năm tới, bởi chỉ có 3% nguồn nước của Trái Đất là nước ngọt phù hợp cho con người sử dụng.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ước tính trên thế giới hiện có 2 tỷ người không có nước uống an toàn và 3,6 tỷ người không được tiếp cận với hệ thống quản lý nước vệ sinh, an toàn. Nhiều khu vực ở Trung Đông và Bắc Phi đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng nghiêm trọng về nước, khi dân số vượt xa nguồn nước sẵn có. Nhiều chuyên gia dự đoán một nửa dân số toàn cầu có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vào năm 2025 nếu chúng ta không giảm tiêu thụ và vẫn lãng phí nước.
Tổ chức Earth.Org có trụ sở tại Hong Kong cho rằng nguồn nước bền vững là một trong những vấn đề quan trọng của thời đại hiện nay và cần được giải quyết ngay bây giờ, có thể thông qua chính sách, công nghệ hay hành động cá nhân. Giảm lãng phí nước và sử dụng nước hiệu quả hơn phải trở thành ưu tiên trên toàn cầu.
Những hệ lụy của tình trạng khan hiếm nước
Ảnh hưởng của việc thiếu nước sạch đối với sức khỏe và vệ sinh là rất nguy hiểm. Việc thiếu nước sạch và các cơ sở vệ sinh phù hợp sẽ làm lây lan bệnh tật. Mỗi năm thế giới có hàng triệu ca tử vong liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm.
Sự khan hiếm nước cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lương thực và nông nghiệp. Phần lớn nước ngọt trên thế giới được sử dụng để tưới cây trồng, do đó tình trạng thiếu nước trực tiếp dẫn đến tình trạng thiếu lương thực. Đương nhiên, điều này sẽ gây ra những hậu quả cho các thế hệ tương lai.
Khan hiếm nước nghiêm trọng cũng có thể gây ra hậu quả là sự di cư và xung đột hàng loạt của con người. Căng thẳng về nước có thể khiến người dân phải di chuyển để tìm điều kiện sống tốt hơn dẫn đến khủng hoảng tị nạn. Tranh chấp về nước cũng tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia có chung nguồn nước như sông hoặc tầng ngậm nước. Một số chuyên gia cho rằng các cuộc chiến trong tương lai có thể sẽ xảy ra vì vấn đề tiếp cận nguồn nước hơn là dầu mỏ.
Môi trường bị thay đổi đến mức không thể khắc phục nổi cũng có một phần từ sự khan hiếm nước. Trong tương lai, chúng ta có thể thấy sự mất đa dạng sinh học, nạn phá rừng và sa mạc hóa do thiếu nước ngày càng tăng. Hệ sinh thái nước ngọt vốn cung cấp môi trường sống cho nhiều loài thực vật và động vật, nhưng nhiều vùng đất ngập nước và sông ngòi đang khô cạn hoặc bị ô nhiễm.
Phá rừng làm giảm khả năng tiếp cận nước sạch, tạo ra một vòng luẩn quẩn, trong đó tình trạng khan hiếm nước làm tăng thêm những tác động của biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia cảnh báo cần hành động để bảo vệ các lưu vực sông và hệ sinh thái nước ngọt trước khi chúng ta mất đi những môi trường sống và cộng đồng cư dân. Bảo vệ các nguồn nước là rất quan trọng để đạt được sự phát triển bình đẳng và bền vững cho tất cả mọi người. Thế giới phải chung tay hành động để quản lý và chia sẻ nguồn tài nguyên nước ngọt vốn có hạn, trước khi căng thẳng về nước trở thành khủng hoảng toàn cầu.
Chúng ta có thể làm gì để bảo tồn nguồn nước?
Những hành động đơn giản như tắm, gội với thời gian ngắn hơn, khóa vòi nước khi đánh răng hay lúc chà rửa bát, chỉ bật máy giặt khi đầy tải... có thể tiết kiệm hàng nghìn lít nước cho mỗi hộ gia đình mỗi tuần. Sửa các vòi hoặc đường ống bị rò rỉ cũng rất quan trọng, giúp tránh lãng phí lượng lớn nước mỗi tháng.
Với những ngôi nhà có vườn, hoặc ở những nơi công cộng, việc thay thế những bãi cỏ và khu vườn được cắt tỉa cẩn thận bằng các loại cây bản địa và cây mọng nước có thể làm giảm đáng kể nhu cầu về nước. Với những bãi cỏ, nên tưới nước sáng sớm sẽ hiệu quả hơn.
Lắp đặt hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước và bể chứa nước mưa cũng góp phần bảo tồn tài nguyên nước. Bể bơi tự nhiên thay thế bể bơi nhân tạo cũng là một cách tiết kiệm nước hiệu quả. Các hồ bơi tự nhiên đều làm sạch nước thông qua thực vật và vi khuẩn có lợi cũng như tuần hoàn nước qua hệ sinh thái của hồ bơi, mang lại lợi ích giải trí và sức khỏe tương tự như các hồ bơi truyền thống nhưng sẽ giảm nhu cầu về nước.
Cải cách giá nước và thay đổi chính sách xung quanh phân bổ nước cũng cần thiết. Đặt giá trị thị trường hợp lý, tính giá theo bậc thang tùy mức tiêu thụ cho nước ngọt và hạn chế sử dụng quá mức các tầng ngậm nước và sông sẽ thúc đẩy người dân sử dụng nước có ý thức hơn. Đồng thời gây quỹ để cải thiện khả năng tiếp cận nước cho những người có nhu cầu. Earth.Org cho rằng các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới cần tính cả chi phí môi trường và xã hội vào nguồn tài nguyên thiết yếu này.
Hành động tập thể xung quanh việc bảo tồn nước là chìa khóa để thành công. Các chiến dịch giáo dục cộng đồng về sử dụng nước hiệu quả, các hoạt động nông nghiệp bền vững, các chương trình hợp tác với chính quyền địa phương về quản lý nước đều góp phần bảo tồn nguồn nước. Mỗi bước nhỏ được thực hiện đều có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo đủ nước sạch cho tất cả mọi người. Giảm tình trạng khan hiếm nước là trách nhiệm chung, đòi hỏi nỗ lực phối hợp giữa nhiều bên để đạt được thành công.