Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Phá sản nguồn nước

Ngày đăng: 07/11/2019

 

Liên Hợp Quốc cảnh báo, sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đến năm 2035, sẽ có khoảng 3 tỷ người, chiếm gần 50% dân số Trái đất phải đối mặt với các khó khăn do tình trạng thiếu nước, ở các mức độ khác nhau.

Ngân hàng Thế giới cũng đồng quan điểm khi cho rằng, trong tương lai không xa, nước sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang hay, giảm tăng trưởng kinh tế, nghèo đói, bệnh tật.

Sự thất bại của loài người trong việc hạn chế biến đổi khí hậu đang gây bất ổn cho nguồn tài nguyên nước và có thể đẩy các quốc gia đến bờ vực “phá sản nguồn nước”. Chúng ta đã vay mượn của “ngân hàng nước” một món nợ lớn. Và tới năm 2050 chúng ta sẽ có thêm 2,5 tỷ “con nợ khát nước”.

Các nguồn nước không được quản lý tốt nhiều khả năng sẽ tác động tới sức khỏe của người dân và nông nghiệp của vùng bị ảnh hưởng, đẩy giá lương thực lên cao. Điều này có nguy cơ thổi bùng những xung đột tiềm ẩn và đẩy mạnh làn sóng di cư.

Trước sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế, nước đang ngày càng bị khai thác và sử dụng vượt quá lượng có thể phục hồi. Đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Sự cạn kiệt nguồn nước, sự gia tăng về nhu cầu nước sạch sự suy giảm về chất lượng nguồn nước đang là những thách thức toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt.

 Chưa hết, với khoảng 2 tỷ tấn rác thải vào nguồn nước mỗi ngày, con người còn phải đối mặt với thách thức ô nhiễm nguồn nước ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù, sự cải thiện về chất lượng nguồn nước có thể thấy ở vài khu vực, ô nhiễm nước vẫn gia tăng trên toàn cầu.

Để tránh một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong tương lai, có lẽ cách khả dĩ nhất là loài người phải đánh giá lại cách thức sử dụng, phân bổ nguồn nước và đưa ra những quyết định có ý nghĩa chiến lược về nước theo hướng chuyển từ mở rộng nguồn cung sang hạn chế nhu cầu.

 Nghĩa là, thay vì tiếp tục làm cạn kiệt nguồn nước tìm cách vay thêm từ "ngân hàng nước", chúng ta cần sử dụng tiết kiệm “khoản đã vay,” điều chỉnh nhu cầu của mình cho phù hợp với nguồn cung nước có hạn, đang bất ổn và dần bị thu hẹp. Đồng thời, các chính phủ cần đưa ra các chính sách khí hậu phù hợp với thực tế về nguồn nước.

 Chúng ta đã có thể tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu hiểu rõ hơn những nguy cơ thực sự đang phải đối mặt. Và đây là lúc chúng ta cần hiểu rõ những nguy cơ liên quan đến nguồn nước và áp dụng mọi giải pháp để bảo vệ nguồn nước - tài sản chi phối mọi sự sống.

 

message zalo