Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Nước sạch: Vấn đề toàn cầu đang ngày càng tệ hơn

Ngày đăng: 25/05/2024

Theo báo cáo của UNESCO, toàn cầu có 2 tỷ người (chiếm 26% dân số thế giới) không có nước uống an toàn và 3,6 tỷ người (46%) thiếu điều kiện tiếp cận với hệ thống vệ sinh an toàn. Trung bình mỗi năm, khoảng 2 - 3 tỷ người hứng chịu tình trạng thiếu nước ít nhất 1 tháng, gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng đến sinh kế, nhất là về an ninh lương thực và tiếp cận với điện. Tỷ lệ dân số đô thị toàn cầu đối mặt với tình trạng khan hiếm nước được dự báo tăng gấp đôi, từ 930 triệu người vào năm 2016 lên 1,7 - 2,4 tỷ người vào năm 2050.

Tuy nhiên, vấn đề này lại bị bỏ qua bởi những thay đổi lớn về khí hậu toàn cầu. Nhiều chính phủ thường xem khí hậu như là vấn đề lớn nhất của Trái đất và hậu quả là tình trạng thiếu hụt nước trên thế giới ngày càng ít được chú trọng như hiện tượng ấm dần lên toàn cầu. Theo LHQ, nguyên nhân khiến nước ít được quan tâm là bởi không có cuộc khủng hoảng nước nào trên toàn cầu. Các vấn đề về nước chỉ hiện diện như là những tình trạng khó khăn ở phạm vi khu vực.

Mặc dù hành tinh Trái đất không thiếu nước, nhưng hơn 97% nước trên Trái đất là nước mặn, không thể dùng cho sinh hoạt, canh tác hay các hoạt động khác. Tình trạng thiếu nước sạch ảnh hưởng đến con người trong trồng trọt, cung cấp nước uống và vệ sinh. Trước đây, xung đột quân sự liên quan đến quyền sử dụng nước cũng đã dẫn đến các vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng giữa các nước, như tranh chấp giữa Ethiopia và Ai Cập về sông Nile, giữa Botswana và Namibia về sông Okavango hay giữa Israel, Palestine và Jordan về sông Jordan. Các nguồn nước xuyên biên giới như vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ra xung đột.

Hiện nay, khái niệm “chủ quyền vĩnh viễn” đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên góp phần ngăn chặn nguy cơ xảy ra những “cuộc chiến nước”, nhưng những thay đổi gần đây trong môi trường an ninh và chính trị toàn cầu lại làm gia tăng mối lo ngại rằng: Liệu các cuộc thương lượng hòa bình về vấn đề nước có thể tiếp tục kéo dài không? Liên quan đến câu hỏi này, không thể không đề cập đến một số trường hợp hiện tại, đó là: Việc Trung Quốc xây đập ở đầu nguồn nước sông Mekong khiến các nước ở hạ nguồn (gồm: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) lo ngại; căng thẳng giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan cũng gia tăng vì nguồn nước chung, do hệ quả của việc đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu dân số tăng; cảnh báo về viễn cảnh giữa 5 quốc gia ở Nam Á, nơi mà Tajikistan và Kyrgyzstan sở hữu nguồn nước nhiều hơn mà lại có kế hoạch xây đập thủy điện, khiến hạn chế dòng chảy đến các nước láng giềng, gồm: Uzbekistan, Kazakhstan và Turkmenistan.

Trong số các quốc gia ASEAN, những đối sách của Thái Lan trước vấn đề nguồn nước thực sự rất đáng lưu ý. Chính phủ nước này thực thi các chính sách nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng nước, bằng cách không canh tác lúa trái vụ hay chuyển sang trồng các loại nông sản có khả năng chống hạn. Nhiều nông dân Thái Lan còn tham gia vào các chương trình việc làm của chính phủ khi nông nhàn, như làm việc cho các dự án nạo vét kênh tưới tiêu.

Trong bối cảnh các quốc gia tích cực triển khai những kế hoạch lớn, như chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để ngăn chặn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đây cũng là lúc chính phủ các nước cần đặt mục tiêu cho nỗ lực xa hơn, nhằm đối phó với những thách thức liên quan đến vấn đề nước sạch.

 

message zalo