Đang tải...
Ngày đăng: 11/10/2021
Niamatullah đã sống bằng nghề trồng đậu, lúa mì và ngô ở tỉnh Helmand gần hai thập kỷ. Tuy nhiên, cuối cùng anh quyết định cùng gia đình bỏ lại vùng đất này vào tháng trước, vì không thể chịu đựng thời tiết khắc nghiệt thêm nữa.
Một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở Afghanistan đã làm khô cằn những cánh đồng của người đàn ông 38 tuổi. Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài khăn gói cùng đại gia đình 15 người lên một chiếc xe tải đi thuê để tìm kiếm công việc ở một nơi khác đỡ tuyệt vọng hơn.
"Mấy đứa con của chúng tôi khóc vì đói", Niamatullah nói.
Gia đình 15 người của Niamatullah trong cuộc di cư khỏi Kajaki, Afghanistan vào tháng trước. Ảnh: WSJ.
Hạn hán khắc nghiệt đang đẩy khủng hoảng kinh tế nước này trở nên trầm trọng sau khi Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan, khiến tài sản của ngân hàng trung ương nước này bị đóng băng 9 tỷ USD.
Tình trạng khan hiếm nước đang ảnh hưởng tới thu nhập của nông dân và đẩy giá thực phẩm ở thành phố lên cao. Liên hợp quốc ước tính, hạn hán đang đe dọa sinh kế của hơn 9 triệu người Afghanistan và ảnh hưởng đến 25 trong số 34 tỉnh của nước này.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khí hậu khắc nghiệt đã khiến 14 triệu người, tức hơn 1/3 dân số Afghanistan - rơi vào cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. FAO cho biết vụ thu hoạch hiện tại của Afghanistan sẽ thấp hơn mức trung bình 15% do hạn hán.
Richard Trenchard, Giám đốc FAO tại Afghanistan cho biết, đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 35-36 năm.
Sinh kế của người Afghanistan phụ thuộc nhiều vào biến động của thời tiết, chẳng hạn như nông nghiệp sử dụng nước mưa và chăn nuôi gia súc. Những người dân nghèo thường thiếu vốn về công nghệ để chuyển sang các phương thức canh tác hiện đại và bền vững hơn. Biến đổi khí hậu làm tăng gánh nặng.
Samim Hoshmand, một cựu nhà đàm phán khí hậu hàng đầu thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia Afghanistan, cho biết chỉ khoảng 12% đất đai của Afghanistan thích hợp cho nông nghiệp nhưng tới 80% dân số nước này sống dựa vào nông nghiệp.
"Nếu hạn hán tiếp tục và bất ổn chính trị kéo dài, tương lai sẽ là một thảm họa", ông Hoshmand nói.
Chính phủ Taliban mới của Afghanistan cho đến nay vẫn chưa trình bày kế hoạch cụ thể để tạo việc làm hoặc hỗ trợ cho dân số đang chìm sâu vào đói nghèo. Nhiều nông dân Afghanistan hình dung viễn cảnh cơn tức giận về khó khăn kinh tế bùng phát thành bất ổn.
"Chúng tôi sẽ đợi trong 6 tháng. Nếu mọi thứ không trở nên tốt hơn, chúng tôi sẽ chống lại Taliban ", Mohammad Amir, một nông dân 45 tuổi đến từ Dasht-e-Top, một vùng đồng bằng khô cằn ở tỉnh Wardak, phía tây Kabul, nói. Khu vực này từng nổi tiếng với những quả táo giòn ngọt - nhưng giờ đây đã khô cạn. Một lòng sông rộng chạy dọc theo quốc lộ không có dấu vết của nước. Nông dân nói rằng họ đã không nhìn thấy tuyết trong 20 năm.
Hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến nông nghiệp. Đập Kajaki ở Helmand được xây dựng vào những năm 1950 như một phần trong sáng kiến của Mỹ dựa trên chính quyền Thung lũng Tennessee nhằm chống lại ảnh hưởng của Liên Xô ở Afghanistan.
Chính quyền Thung lũng Tennessee - như tên gọi của nó, nhằm thúc đẩy tưới tiêu và phát triển đất nông nghiệp dọc theo các sông Helmand và Arghandab. Sau đó, Mỹ đã biến Kajaki thành một nhà máy thủy điện vào những năm 1970, nhưng sau đó bị đình chỉ sau khi Liên Xô chiếm năm 1979.
Năm 2004, Mỹ tái khởi động dự án và tân trang lại hai tuabin trong nỗ lực mang lại nguồn điện cho miền nam Afghanistan và đánh bật Taliban. Vào năm 2008, hàng nghìn binh sĩ chủ yếu là quân đội Anh đã vận chuyển các bộ phận của tuabin thứ ba, nặng 220 tấn trên xe tải qua một số địa hình nguy hiểm nhất của đất nước, nhưng thiết bị này đã không được lắp ráp trong một thập kỷ cho đến năm 2019.
Theo Tufan Ozcag, một quản lý của công ty xây dựng phụ trách chính việc tân trang lại Kajaki cho biết, hiện nay, do mực nước thấp, Kajaki chỉ sản xuất được 6 MW điện, thiếu xa so với công suất 51 MW.
Sự khan hiếm nước trong quá khứ đã dẫn đến xung đột với nước láng giềng Iran, quốc gia nhận nước từ sông Helmand sau khi nó chảy qua các Kajaki và biên giới.
Biến đổi khí hậu có thể "làm giảm dòng chảy của nước ngọt quan trọng qua biên giới Afghanistan và khả năng gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng", Oli Brown, cộng sự nghiên cứu cấp cao của Adelphi, một tổ chức tư vấn môi trường có trụ sở tại Berlin, và là tác giả của một báo cáo tóm tắt về rủi ro khí hậu về Afghanistan cho biết.
Ông nói, điều này cũng có thể đẩy nhanh quá trình di cư hoặc có thể khuyến khích nông dân ở một số khu vực trồng cây thuốc phiện. Cây thuốc phiện cần ít nước để canh tác hơn hầu hết các loại cây trồng khác và có thể sinh lợi nhiều hơn.
Tại Dasht-e-Top thuộc tỉnh Wardak, nông dân phàn nàn rằng họ không có giếng và chỉ một số nông dân khá giả mới có đủ khả năng mua các tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng tưới tiêu.
Tại một trong những trang trại chạy bằng bảng năng lượng mặt trời này, Rahima Wardak hái cà chua với thu nhập 3 USD một ngày. Đây cũng là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình. Mẹ của Rahima - một nông dân ngoài 50 tuổi, cho biết bà và chồng từng trồng khoai tây, hành tây và cà rốt nhưng tới nay những thửa ruộng đã khô cằn.
Bà Wardak nói, hai năm trước, gia đình có thể tưới một hoặc hai khu vườn. Nhưng tới nay, hệ thống đường hầm thủy lợi truyền thống của khu vực đã hoàn toàn khô cạn.
"Làm sao con trai chúng tôi mãi làm nông? Chúng tôi sẽ phải tìm việc khác để làm, "Mohammad Omar Jalalzai, người chồng 70 tuổi của bà Wardak, cho biết khi ông đứng giữa những cây mơ khô quắt vì thiếu nước.