Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Nhà vệ sinh thân thiện môi trường trên đỉnh Everest

Ngày đăng: 02/03/2020

 

“Ý tưởng lớn” gặp nhau

“Trong lần đi leo núi ở Everest vào đầu những năm 2000. Tôi phải đối mặt với một vấn đề thực sự, đó là toilet. Chúng tôi đã phải “nhịn” cho đến khi tìm được vị trí thích hợp. Thậm chí đến lúc đó, tôi cũng không thể, tôi phải tìm một nhà vệ sinh” - Zuraina Zaharin kể lại - “Tuy nhiên, mọi chuyện không khá hơn ngay cả khi chúng tôi tìm được cái gọi là nhà vệ sinh, nó vô cùng tệ, rất hôi thối”.

Zaharin cũng từng tới Himalayas và khu vực dành cho việc vệ sinh ở đây cũng không khá hơn. Nhiều năm sau, điều này vẫn chưa thực sự được giải quyết. Theo một tổ chức phi chính phủ ở địa phương chịu trách nhiệm dọn dẹp rác thải ở Everest, năm 2018, tổ chức này đã vận chuyển 14 tấn chất thải của con người từ các khu vực cắm trại ở khu vực núi Everest. Tuy nhiên, lượng lớn chất thải này được đổ xuống các hố lộ thiên, gây nguy cơ xâm nhập vào hệ thống cấp nước. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây chỉ là một ví dụ điển hình về việc hệ thống vệ sinh xử lý chất thải không an toàn mà hơn 4,5 tỷ người (trong tổng số hơn 7,5 tỷ người) trên thế giới đang phải chung sống. Thậm chí, ngay cả những nhà vệ sinh có hệ thống xả nước cũng có nhiều vấn đề, bởi theo báo cáo của Liên hợp quốc, có khả năng “gia tăng những căng thẳng liên quan đến nước sạch” ở các quốc gia thiếu nguồn nước sinh hoạt.

Zuraina Zaharinm, một doanh nhân, một nhà thám hiểm và nhà hoạt động môi trường không thể quên được những trải nghiệm “khó nói” trong lần đi chinh phục Everest. Vào năm 2012, khi tham gia một diễn đàn kinh doanh, cô đã gặp Imad Agi (người Thụy Điển), đang tìm kiếm đầu tư hệ thống nhà vệ sinh bền vững, thích hợp cho  những  nơi có vệ sinh kém hoặc khó khăn về nguồn nước… Đó là hệ thống nhà vệ sinh không cần nước, biến chất thải của con người thành loại phân bón an toàn có thể sử dụng để canh tác hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. 

Nhiều ưu điểm vượt trội

Agi và Zaharin đã cùng đồng sáng lập ra công ty EcoLoo chuyên cung cấp nhà vệ sinh thân thiện với môi trường. Đối với hệ thống nhà vệ sinh này, “giải pháp vi khuẩn” trong ngăn chứa chất thải là then chốt. “Vi khuẩn sẽ phân hủy chất thải của con người - trong thời gian khoảng 3-4 ngày và  được chuyển hóa thành phân bón lỏng” - Zaharin giải thích. Chi phí để duy trì hệ thống nhà vệ sinh này khoảng 60USD/năm.

EcoLoo cho biết, hệ thống nhà vệ sinh này tốn ít năng lượng hơn so với nhà vệ sinh thông thường vì không phải phân tách và xử lý nước thải. Và điều quan trọng là, nó không có mùi hôi bởi trong quá trình vi khuẩn phân hủy ngăn chặn mùi hôi tích tụ trong bể chứa. Nhà vệ sinh này, có giá dao động từ 800-2.500 USD, đã giành được nhiều giải thưởng về môi trường và đã cung cấp hơn 2.000 cái ở 21 quốc gia. Thành phố cổ Petra, Di sản Văn hóa thế giới nổi tiếng ở Jordan cũng lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh này.  

Zaharin cho biết, EcoLoo có khả năng cung cấp hệ thống nhà vệ sinh cho những khu vực cần cứu trợ thảm họa - nơi nguồn nước bị ô nhiễm khiến bệnh tật liên quan lây lan nhanh chóng.  

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, chúng ta tốn 141 tỷ lít nước sạch trên toàn cầu để xả nhà vệ sinh mỗi ngày. Con số này gấp 6 lần lượng nước tiêu thụ hàng ngày của châu Phi. Trong khi đó, thế giới đang ngày càng phải đối mặt với việc khủng hoảng thiếu nước sạch trầm trọng, Giám đốc Viện Tài nguyên thế giới cho biết trong một báo cáo năm 2019.  Theo số liệu Liên hợp quốc công bố, dịch bệnh tiêu chảy do vệ sinh không đảm bảo đã gây ra 432.000 ca tử vong mỗi năm. Cùng với đó, xu hướng nhà vệ sinh sử dụng ít năng lượng và tài nguyên nước đang trở thành xu hướng trong điều kiện  thay đổi khí hậu như hiện nay. 

Zaharin cho biết, công ty của cô đã vượt ra ngoài mục đích ban đầu là phục vụ các cộng đồng nông thôn. Giờ đây, hệ thống nhà vệ sinh này còn được sử dụng ở những nơi sang trọng, các mô hình nghỉ dưỡng di dộng hay ở đảo. Người đồng sáng lập EcoLoo cho biết, vẫn còn một ngọn núi cần chinh phục, đó là lắp đặt nhà vệ sinh của công ty tại các điểm nghỉ ở Everest. “Là một nhà thám hiểm, tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc” - Zaharin quả quyết.

Chúng ta tốn 141 tỷ lít nước sạch trên toàn cầu để xả nhà vệ sinh mỗi ngày. Con số này gấp 6 lần lượng nước tiêu thụ hàng ngày của châu Phi. Trong khi đó, thế giới đang ngày càng phải đối mặt với việc khủng hoảng thiếu nước sạch trầm trọng. Hệ thống nhà vệ sinh của EcoLoo, với ưu điểm vượt trội giúp tiết kiệm nước, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện môi trường khiến nó có thể được phổ biến rộng rãi. 

 

message zalo