Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Khủng hoảng nước sạch - Cuộc chiến giống như tìm vàng

Ngày đăng: 21/09/2022

 

Những ngày vừa qua, để có những chai nước sạch, người dân thành phố Jackson bang Mississippi, Mỹ đã phải nhờ tới sự tiếp tế khẩn cấp của quân đội. Vài ngày trước, 600 vệ binh quốc gia Mỹ đã phải lập ra 7 chốt cung cấp nước sạch khẩn cấp để tiếp tế cho người dân tại bang Mississippi. Chỉ trong 1 ngày đã có hơn 1 triệu chai nước được tiếp tế đến tay người dân. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lần này là do nhà máy nước ở thủ phủ của bang Mississippi đã bị hỏng do xuống cấp và do tác động của biến đổi khí hậu. Hiện tại, nước đã có trở lại nhưng khoảng 150 nghìn người dân vẫn đang không có nước sạch để uống.

Không phải là nước không đạt chuẩn hay chỉ vẩn một chút, mà là một dòng nước đen ngòm chảy ra từ vòi nước ở nhà dân. Một phóng viên sống tại bang Mississippi đã vặn vòi nước nhà mình lên và quay lại video cảnh dòng nước đen ngòm. Đoạn video này ngay lập tức bùng nổ trên twitter và tiếp đó là bức ảnh mẫu nước được đem đi kiểm tra - cũng đen kịt và không có dấu hiệu gì là nước có thể dùng cho sinh hoạt. Đáng nói đây không phải là sự kiện bất chợt xảy ra, mà nằm trong chuỗi ngày không có nước sinh hoạt đã kéo dài tới 2 tuần.

Bà Deneka Samual - Người dân thành phố Jackson, bang Mississippi, Mỹ cho biết: "Họ nói rằng nước này có hại cho da, rằng chúng tôi không được đánh răng, súc miệng hay rửa mặt và tắm bằng nước này. Nhưng làm sao bắt bọn trẻ con nhịn tắm được, nên tôi đành phải đổ thuốc tẩy Clorox vào".

Câu chuyện khủng hoảng nước sạch Flint 8 năm trước giờ đây đang nóng trở lại khi không ít bang của Mỹ đang bị thiếu nước sạch. California và các bang lân cận ở Mỹ cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước sạch.

Cuộc khủng hoảng nước sạch tại California và các bang bờ Tây nước Mỹ bắt nguồn từ đợt hạn hán nghiêm trọng và kéo dài nhất trong hơn 1.200 năm qua, khiến lượng nước tại các hồ chứa và sông Colorado giảm xuống mức thấp kỷ lục. Hiện khoảng 74% diện tích khu vực bờ Tây nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, trong đó khoảng 20% diện tích ở mức đặc biệt nghiêm trọng.

Thêm vào đó, cháy rừng đang khiến cho nước trong nhiều hồ chứa không còn sử dụng được do ô nhiễm khói bụi. Hiện 13.000 cư dân của thành phố New Mexico chỉ còn lượng nước sạch đủ dùng trong 20 ngày tới.

Ở bang California, từ năm ngoái chính quyền đã kêu gọi người dân cắt giảm 15% lượng nước dùng hàng ngày. Từ đầu năm nay thì bắt buộc các công ty nước cắt giảm lượng nước cung cấp từ 15 đến 20%, giám sát việc sử dụng nước của cư dân và cơ sở thương mại, phạt nặng các trường hợp không tuân thủ quy định tiết kiệm nước. Tháng trước, thống đốc bang đã công bố kế hoạch hiện đại hóa hạ tầng cung cấp nước, xây dựng thêm hồ chứa, triển khai các dự án tái chế nước thải và lọc nước biển thành nước ngọt.

Do tình hình khẩn cấp, các trường công lập ở TP. Jackson, bang Mississippi với gần 21 nghìn học sinh đã buộc phải chuyển sang học trực tuyến như trong đại dịch COVID-19. Chính quyền bang và chính phủ liên bang đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, phân phối nước đóng chai và khuyến nghị người dân đun sôi bất kỳ nguồn nước máy nào có được để sử dụng.

Cuộc chiến để có nước sạch giống đi tìm vàng

Đó là câu chuyện từ Mỹ, nơi có hạ tầng khai thác và hệ thống lọc nước với công nghệ tân tiến. Năm nay khủng hoảng thiếu nước sạch xảy ra tại nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới, từ Mỹ, châu Âu đến châu Á do phải hứng chịu nắng nóng hay mưa lũ kỷ lục. Ở những nơi thường xuyên thiếu nước, cuộc chiến để có nước sạch giống như đi tìm vàng.

Nước là khởi nguồn của sự sống, nhưng khi không có nước sạch thì con người vẫn phải cố sống trên những mảnh đất cằn cỗi. Làng Ko Bala, ngoại ô thủ đô Kabul, Afghanistan là một nơi như vậy. Khoảng 500 hộ gia đình tại đây phải đi hàng cây số để gánh nước từ một chiếc giếng nhỏ.

Chị Momina - Người dân Ko Bala, Afghanistan nói: "Chúng tôi phải tích nước dự trữ. Nước này vừa để uống, vừa nấu nướng, giặt rửa luôn. Cũng có những xe bán nước nhưng đắt lắm, nếu mua nước thì chúng tôi không có tiền mua thức ăn nữa".

Điều đáng nói là Afghanistan liên tục chịu hạn hán nên người dân không thể hứng được giọt nước mưa nào nếu như những chiếc giếng chẳng may cạn khô. Tình cảnh hoàn toàn trái ngược với những gì người dân Pakistan phải hứng chịu trong những ngày này, hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt kỷ lục đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới, đó là các bệnh lây truyền trong môi trường nước bẩn như tiêu chảy, sốt rét, nhiễm trùng da và các bệnh về mắt.

Ông Ajeet Kumar - Bác sĩ nhi khoa, Pakistan: "Có hàng nghìn người mắc bệnh mà không có tiền để thăm khám và mua thuốc. Trẻ em thì mắc nhiều bệnh cùng lúc vì chúng uống phải nước nhiễm khuẩn".

Thiên tai là nguyên nhân tác động đến nguồn nước sạch ở các quốc gia Nam Á, vậy thì lý do gì khiến một thị trấn ở Nga đã không có nước sạch trong suốt 30 năm qua? Dòng nước đang chảy ra từ vòi là bùn lẫn trong nguồn nước dùng hàng ngày của người dân ở thị trấn Michurinsky, miền Nam nước Nga. "Không thể dùng nước này để ăn uống hay tắm giặt đâu. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác, chúng tôi để nó lắng cặn, rồi đun sôi nước lên".

Câu trả lời nằm ở cơ sở hạ tầng. Khi mùa mưa đến, nước sông dâng, cuốn theo bùn đất và tràn vào những bể chứa nước sinh hoạt - hệ thống vốn đã xuống cấp và không được bảo trì, khiến chúng không thể lọc ra những dòng nước tinh khiết. Đối với những người về hưu như ông Ivan, chỉ riêng tiền mua nước sạch đã hết 3.000 ruble mỗi tháng, tức khoảng gần 1,2 triệu VNĐ, chiếm 1/3 số lương hưu ít ỏi của ông. Mặc dù chính quyền địa phương đã có những đợt phân phát nước sạch cho người dân nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể nếu không xây dựng một hệ thống xử lý nước mới.

Ông Ivan Rybalkin nói: "Tôi không dám ăn cá. Cá thì mặn, ăn xong sẽ khát nước. Nếu nhà hết nước khoáng sạch rồi thì tôi phải uống nước bẩn từ vòi kia".

Nước sạch là nguồn tài nguyên quý giá, nhưng cũng rất dễ để tạo ra nước sạch bằng các giải pháp lọc nước. Vấn đề làm thế nào để có nước sạch khi thiên không được thời, địa không được lợi, thì nhân phải tìm cách dung hòa. Cho đến khi tìm được giải pháp phù hợp, người dân tại nhiều khu vực đành phải chắt chiu từng giọt nước.

Khủng hoảng nước sạch không bỏ qua một quốc gia nào. Và nó đặc biệt nghiêm trọng ở những quốc gia đang phát triển. Vậy những giải pháp nào đang được đưa ra để bảo vệ nguồn nước lâu dài?

Có những công nghệ lọc nước tân tiến, rồi cả những hành động nho nhỏ của cá nhân như tự tiết kiệm nước sinh hoạt hàng ngày - mà đây đang là xu thế tại nhiều nước phát triển. Nhưng giải pháp nào cũng đều đến từ một sự thừa nhận rằng "Đây là một tài nguyên quý giá" và chúng ta càng ngày càng khó khai thác. Trong khi dân số toàn cầu không ngừng tăng lên. Khủng hoảng xăng dầu - người ta đi tìm năng lượng điện, rồi khí hóa lỏng để thay thế. Khủng hoảng lương thực, người ta phát minh ra thịt làm từ protein thực vật. Nhưng không có gì thay thế được nước. Và dù là một tỷ phú hay người bình thường thì cũng không thể sống thiếu nước dù chỉ vài ngày.

 

message zalo