Đang tải...
Ngày đăng: 11/06/2024
Bà Lakeisha Bryant, Người phát ngôn Nhà máy nước Thung lũng Santa Clara, cho biết: “Nước sạch được sử dụng tại cơ sở này là nước đã qua xử lý.”
Liên tiếp chịu cảnh hạn hán gay gắt nhiều năm gần đây, bang California, Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch xử lý nước thải để bổ sung vào nguồn nước sinh hoạt. Nền tảng của công nghệ này đã được sử dụng tại hạt Orange. Nước thải được xử lý thông qua hệ thống vi lọc mạnh mẽ, thẩm thấu ngược và khử trùng bằng tia cực tím cùng hydro peroxide. Tuy nhiên, quy định mới được Cơ quan Kiểm soát tài nguyên nước của bang California thông qua yêu cầu bổ sung quá trình khử trùng ozone và lọc carbon sinh học, đồng thời giám sát chặt chẽ hơn và loại bỏ các mầm bệnh.
Sau hơn 10 năm xây dựng, cơ sở pháp lý cho kế hoạch trên được thông qua vào tháng 12-2023, khi các nhà lập pháp bang California bật đèn xanh cho việc sử dụng trên diện rộng các cơ sở xử lý và lọc tiên tiến để biến nước thải thành nước tinh khiết.
Bà Lakeisha Bryant, Người phát ngôn Nhà máy nước Thung lũng Santa Clara, cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng một cơ sở thử nghiệm nhỏ hơn để có thể thêm các quy trình làm sạch bụi xô.”
Nước thải đã qua xử lý được cung cấp trực tiếp thông qua các đường ống nước của các hộ gia đình. Trong một số trường hợp nhất định, nước thải sẽ được tiếp tục xử lý tại bể chứa của các nhà máy xử lý nước uống thông thường trước khi được đưa tới người tiêu dùng.
Phóng viên Ira Spitzer, Kênh CNA: “Nhà máy này là nơi diễn ra một quy trình gọi là thẩm thấu ngược được thiết kế để loại bỏ các chất có hại như thuốc trừ sâu và vi rút ra khỏi nước.”
Trong bối cảnh chính quyền và người dân tại bang California phải đối mặt với chu kỳ hạn hán ngày càng tồi tệ do tình trạng biến đổi khí hậu, đây cũng là lúc người ta thấy được sự cấp bách phải tái chế nước thải.
Ông Richard Santos, Giám đốc Nhà máy nước Thung lũng Santa Clara, cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến nhiều đợt hạn hán trong suốt 20 năm làm việc ở đây. California là nơi khô cằn, vì vậy chúng tôi phải chuẩn bị để có thêm nước sạch đáng tin cậy cho người dân.”
Ngoài việc tài trợ xây dựng cơ sở vật chất mới, một phần của giai đoạn tiếp theo chính là có được sự ủng hộ của người dân.
Bà Kirsten Strucve, Bộ phận cấp nước tại nhà máy Thung lũng Santa Clara, cho biết: “Điều quan trọng là phải tuyên truyền để người dân hiểu về quy trình làm sạch nước với những công nghệ hỗ trợ ra sao, ưu việt thế nào so với tự nhiên bởi về bản chất, nước trên trái đất đều được tái chế.”
California trở thành bang thứ 2 của Mỹ phê duyệt quy trình làm sạch nước, sau bang Colorado và tương tự như Singapore, Australia hay Nam Phi. Theo thống kê, cứ 4 người thì có 1 người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận nước sạch. Chính những nỗ lực như thế này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá cho nhân loại.
“Không có nước thì không có thức ăn, không có hòa bình, không có sự sống, vì vậy, nước phải được quản lý tốt vì mỗi giọt đều quý giá”. Đó là nhấn mạnh của Tổng thống Indonesia Joko Widodo - nước chủ nhà của Diễn đàn Nước thế giới (WWF) năm nay. Tuy nhiên, dù đóng vai trò sống còn là vậy, nhưng với nhân loại nhiều năm qua, nước lại là nỗi âu lo thường trực chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Với mong muốn có sự chuyển biến trong vấn đề nước sạch toàn cầu, mô hình tái chế nước thải thành nước sạch tại bang California, Mỹ được đánh giá là thân thiện với môi trường, theo đó giúp giảm lượng chất thải đổ vào sông và đại dương, đồng thời tránh gây hại cho sinh vật biển.