Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Cuộc cách mạng nước sạch ở Singapore

Ngày đăng: 10/04/2023

 

Đảo quốc Singapore với dân số gần 5,5 triệu người có rất ít nguồn nước tự nhiên, phải phụ thuộc vào nước mưa và coi như một nguồn nước tự nhiên. Chính vì thế, Singapore từng rơi vào cảnh khan hiếm nước sạch và phải nhập khẩu toàn bộ lượng nước sinh hoạt từ nước láng giềng Malaysia.

Vào cuối những năm 1960, hệ thống hồ nước trên toàn bộ quốc đảo bị ô nhiễm nặng, tràn ngập rác, chỉ còn vài hồ nước sạch. 

Singapore đã ký với Malaysia hai hiệp ước riêng về việc nhập nước vào năm 1961 và 1962. Hai hiệp ước cho phép Singapore lấy tối đa mỗi ngày gần 1,5 triệu m3 nước thô từ các sông và hồ chứa của Malaysia. Hai thỏa thuận này hết hiệu lực lần lượt vào năm 2011 và năm 2061. 

Singapore “từng được coi là quốc gia thiếu nước, không phải vì thiếu mưa (2.400 mm/năm), mà vì quỹ đất dùng trữ nước hạn chế. Chúng tôi cũng không có các tầng chứa nước ngầm”, Giám đốc điều hành Khoo Teng Chye của Ủy ban Cơ sở Hạ tầng Singapore (PUB), cơ quan quản lý nguồn nước quốc gia, nói tại Tuần lễ Nước Thế giới ở Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 8/2006. 

Bốn vòi nước quốc gia

Do thiếu một thứ thiết yếu là nước, buộc Singapore phải phụ thuộc vào Malaysia, nên an ninh nguồn nước lâu dài, đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất là yêu cầu cần thiết, cấp thiết và là mối ưu tiên quốc gia của Singapore. 

Với những thách thức đó cùng mục tiêu có khả năng tự cung tự cấp nước, chính phủ quốc đảo đã đặt ra những chính sách quản lý cả nguồn cung và cầu đối với nước, xây dựng quy hoạch dài hạn, đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch tái tạo nước sạch. 

Năm 1972, Singapore thành lập PUB để quản lý toàn bộ lộ trình của nước và xây dựng một nguồn cung cấp nước mạnh mẽ, đa dạng và bền vững, được gọi là “bốn nguồn nước quốc gia”, bao gồm: nước từ lưu vực địa phương, nước nhập khẩu, nước tái chế cao cấp được gọi là NEWater và nước khử muối. Khi tích hợp hệ thống nước và tối đa hóa hiệu quả của từng nguồn cấp, Singapore đã vượt qua thách thức để đáp ứng nhu cầu về nước sạch. 

Cơ quan PUB của Singapore đã đầu tư nghiên cứu, phát triển và đổi mới để nâng cao tính bền vững của nguồn nước, đặc biệt là thông qua cải tạo nước.

NEWater là câu chuyện thành công và là trụ cột của sự bền vững về nước. Nước tái chế cao cấp này là một đổi mới quan trọng cho nguồn cung cấp nước Singapore, giúp ích đáng kể khi thời tiết khô hạn. 

NEWater biến nước đã qua sử dụng từ các hộ gia đình, nhà máy trở thành một nguồn tài nguyên của đất nước, hoàn toàn có thể tái sử dụng; được thu lại qua hệ thống ống ngầm sâu 20-55 m dưới mặt đất để đưa về các nhà máy tái chế.

NEWater đã vượt qua hơn 130.000 bài kiểm tra khoa học và đáp ứng tốt các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới. Hiện có 5 nhà máy NEWater đang hoạt động ở quốc gia này. 

Đồng thời, Singapore cũng xây dựng nhà máy lọc nước biển Singspring và Tuaspring để sản xuất nước ngọt trên quy mô lớn.

Bên cạnh đó, vì không có nguồn nước tự nhiên, Singapore cũng dần dần tạo ra nhiều hồ chứa nước mặt hơn, xây dựng trên ba hồ chứa đầu tiên tại MacRitchie, Seletar và Peirce, thành 17 hồ chứa. Ngày nay, hai phần ba hòn đảo là lưu vực nước, thông tin trên trang chủ của PUB cho hay.

Sau nhiều năm, PUB đã tích hợp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu nước của quốc gia khi đầu tư nghiên cứu và ứng dụng vào công nghệ xử lý, tái chế và cung cấp nước. 

Chính vì vậy, “ngày nay Singapore được quốc tế công nhận là một thành phố kiểu mẫu về quản lý nước và là Trung tâm Nước Toàn cầu mới nổi, một trung tâm hàng đầu về cơ hội kinh doanh và kiến thức chuyên môn về công nghệ nước”, Hiệp hội Nước Quốc tế (IWA) nhận định trong một bài chuyên sâu về quản lý nước của Singapore đăng trên trang chủ, nhắc lại chính một tả của PUB.

IWA cho hay cách tiếp cận toàn diện của PUB đối với quản lý nước có thể được tóm tắt trong ba chiến lược chính, là: 

  • Thu thập từng giọt: Singapore là quốc gia có diện tích đất hạn chế để thu nước mưa, nên quan trọng là phải làm cho mỗi giọt mưa đều có giá trị. PUB có kế hoạch tăng lượng nước lưu vực từ 2/3 lên 90% diện tích đất quốc gia. Với hệ thống thu gom nước mưa và nước đã qua sử dụng riêng biệt, chính sách quy hoạch sử dụng đất hợp lý và kiểm soát chặt về môi trường, nước mưa thu được sẽ được bảo vệ khỏi ô nhiễm.
  • Tái sử dụng nước liên tục: Tái chế nước là cách bền vững và tiết kiệm chi phí nhất để tăng nguồn cung của Singapore. Để tăng tỷ lệ tái chế, PUB có kế hoạch (i) Thu hồi nước đã qua sử dụng từ các nguồn công nghiệp để sử dụng cho mục đích không uống được; (ii) Tăng khả năng thu hồi nước từ cải tạo nước và xử lý NEWater; và (iii) Giảm tổn thất từ nguồn cung của PUB bằng cách khuyến khích các công ty ven biển sử dụng nước biển cho quá trình làm mát.
  • Tăng khử muối trong nước biển: Là một hòn đảo giữa biển, Singapore có lợi thế khi áp dụng lựa chọn tự nhiên là khử muối. PUB sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để cải thiện hơn nữa khả năng kinh tế của việc khử muối trong nước biển.

Thành công của Singapore trong việc quản lý tài nguyên nước là quản lý song song cả nguồn nước thông thường và nguồn nước tái sử dụng, một bước rất ít quốc gia thực hiện, bằng các hệ thống xử lý nước thải tiên tiến.

“Khi nhu cầu về nước tiếp tục tăng cùng với tăng trưởng kinh tế và dân số, chúng ta sẽ cần phải lập kế hoạch và triển khai cơ sở hạ tầng về nước từ rất sớm trước đó để đảm bảo nguồn cung đầy đủ với chi phí phải chăng cho các thế hệ tương lai”, trang web của PUB viết.

 

message zalo